
Tham vọng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn của Ấn Độ
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đang thúc đẩy nỗ lực để đưa Ấn Độ trở thành một đối thủ cạnh tranh trong ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Theo thông tin từ Bloomberg vào ngày 23/7, chính phủ của Thủ tướng Modi đã phê duyệt khoản đầu tư 15,2 tỷ USD vào tháng 2 để xây dựng các nhà máy sản xuất chất bán dẫn tại Ấn Độ.
Một trong những đề xuất đáng chú ý là của Tập đoàn Tata, với kế hoạch thiết lập cơ sở sản xuất chip lớn đầu tiên tại Ấn Độ. Khoản đầu tư này còn bao gồm việc xây dựng các đơn vị lắp ráp và một nhà máy đóng gói, sẽ được phát triển cùng với các đối tác từ Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) và Thái Lan.
Tập đoàn Tata nhấn mạnh rằng mục tiêu của họ là phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Ấn Độ lên tới 110 tỷ USD vào năm 2030, nhằm đáp ứng 10% nhu cầu toàn cầu trong lĩnh vực này.
Các chuyên gia cho biết quyết định này phù hợp với kế hoạch đầy tham vọng của Ấn Độ nhằm xây dựng hệ sinh thái bán dẫn trong nước toàn diện, một ưu tiên chiến lược sau khi đại dịch COVID-19 phơi bày sự phụ thuộc quá mức của Ấn Độ vào chuỗi cung ứng chip toàn cầu.
Quốc gia này cũng hy vọng tận dụng cơ hội từ các công ty nước ngoài đang tìm kiếm các trung tâm sản xuất thay thế khi căng thẳng thương mại và địa chính trị đẩy chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc, vốn từ lâu là quốc gia dẫn đầu trong lĩnh vực sản xuất chip.

Bộ trưởng Bộ Điện tử và Công nghệ Thông tin Ấn Độ Ashwini Vaishnaw tự tin tuyên bố rằng nước này sẽ lọt vào top năm quốc gia sản xuất chất bán dẫn trong năm năm tới.
Ông Anurag Awasthi, Phó chủ tịch Hiệp hội Điện tử và Bán dẫn Ấn Độ, nhấn mạnh rằng Ấn Độ sở hữu những lợi thế mạnh mẽ như nhu cầu tiêu thụ trong nước cao, lợi thế về dân số và khả năng thiết kế sản phẩm. Theo ông, ba yếu tố này hiện tại và trong tương lai sẽ là động lực chính giúp thu hút đầu tư cả trong nước lẫn quốc tế.
Trong khi đó, ông Karthik Nachiappan, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Nam Á thuộc Đại học Quốc gia Singapore, cho biết Ấn Độ đang dồn toàn lực vào lĩnh vực vi mạch, thay vì chỉ tập trung vào một phân khúc cụ thể trong ngành.
Nachiappan cho biết rằng Ấn Độ đang nỗ lực xây dựng một hệ sinh thái chip hoàn chỉnh, bao gồm các khía cạnh như nghiên cứu, phát triển, thiết kế, sản xuất và chế tạo chip. Đồng thời, họ cũng đang tập trung vào việc đào tạo nguồn nhân lực để thúc đẩy sáng kiến này.